id quod volo

Thursday, March 27, 2008

Chủ Nhật II Phục Sinh (30 Mar 2008)


CVTD 2:42-47; TV 118:2-4, 13-15, 22-24; 1 Ph 1:3-9; Gn 20:19-31

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Chúa đã sống lại thật. Alleluia!
Người hằng ở với chúng ta. Alleluia!

Bạn thân mến,
Cùng với hơn 1 tỷ người Công giáo trên khắp thế giới, chúng ta mừng mầu nhiệm Phục Sinh, mừng Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Nhưng biến cố Phục Sinh có ích gì, nếu con người không cảm nhận được niềm vui Phục Sinh?

Tại căn phòng Tiệc Ly, nơi các tông đồ đang tụ họp lo lắng cho tương lai của mình, Đấng Phục Sinh đến với họ. Ngài nhẹ nhàng đi qua cánh cửa đóng chặt, len lỏi vào tâm tư, đánh tan mọi nghi ngờ và sợ hãi của họ. Chúa Kitô biết các môn đệ yếu đuối. Ngài hà hơi tiếp sức cho họ, thổi Linh Khí vào lòng họ, ban cho họ sự bình an và niềm vui, ban cho họ sức sống mới, và sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng: một Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua cái chết và phục sinh của Con Một Người, Thiên Chúa ban cho nhân loại sự sống mới, sự sống thần linh.

Gần hai mươi thế kỷ sau cuộc gặp gỡ lịch sử đó, vào tháng 4 năm 2000 trong dịp phong thánh cho nữ tu người Ba Lan, Sơ Maria Faustina Kowalska, ĐTC Gioan-Phaolô II đã ấn định Chủ Nhật thứ II mùa Phục Sinh là lễ tôn kính lòng Thương Xót Chúa. Khi thiết lập lễ này, ĐTC đã thực hiện lời yêu cầu của chính Chúa Kitô được mạc khải qua Sơ Faustina là quảng bá về lòng tương xót vô lượng của Thiên Chúa.

Lòng từ bi thương xót đó được diễn tả trong cách Chúa Kitô đối xử với các môn đệ khi Ngài đến với họ. Trong giờ phút khó khăn nhất ở Vườn Dầu, họ đã bỏ Ngài chạy thoát thân, nhưng Ngài không bỏ họ trong tăm tối tuyệt vọng. Khi họ sống trong cô đơn, sợ hãi, dày vò, mặc cảm, khép kín, Ngài hiện đến an ủi họ, ban cho họ bình an và niềm vui. Khi họ thất bại và bỏ cuộc, Ngài vẫn đặt niềm tin nơi họ. Ngài trao năng quyền tha tội và củng cố sứ mạng rao giảng và chữa lành của họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” [Ga 20:21].

Lòng từ bi thương xót đó cũng được diễn tả trong cách Chúa Kitô đối xử với những người bắt bớ bách hại Ngài. Ngài sẽ trả thù những kẻ tố cáo lên án Ngài ư? Không! Trả thù những kẻ tra tấn, sỉ nhục đóng đinh Ngài ư? Cũng không! Trên thập giá, Ngài đã tha thứ tất cả, chấp nhận tất cả. Và giờ đây, Ngài gửi các môn đệ đến với họ, nói cho họ và cả thế giới biết người mà họ đã đóng đinh chính là Con Thiên Chúa, Đấng gánh tội cho họ.

Và đây là sứ điệp căn bản của lòng thương xót vô lượng đó: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người cho thế gian, ngõ hầu ai tin vào con ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống muôn đời. Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để luận phạt thế gian, nhưng thế gian nhờ Ngài mà được sống.” [Ga 3:16-17]

Trong số các môn đệ, có lẽ Tôma cảm nghiệm được lòng thương xót này cách mạnh mẽ nhất. Theo Tin Mừng Gioan, ngay vào buổi chiều ngày Phục Sinh, Chúa Kitô đã hiện ra với các môn đệ đang co rúm vì lo sợ cho số phận mình. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, Tôma đã không có mặt. Ngoài phố chợ, người ta đang đồn là xác Đức Giêsu bị các môn đồ đánh cắp. Ông đau xót quá, nhục nhã quá. Bây giờ lại nghe đồn Thầy sống lại. Chết rồi cũng chưa được yên. Tôma không dễ bị thuyết phục bởi những tin đồn. Vừa rối trí vừa bực mình, ông nhất quyết phải tìm ra sự thật.

Lý trí của ông không dễ dàng chấp nhận chuyện kẻ chết sống lại. Thật ra, ông đã từng thấy kẻ chết được sống lại: cô bé con ông Giairô, con trai bà goá ở Naim, anh Lazarô ở Bêtania. Nhưng đó là những ngưòi đã qua đời vì đau ốm bệnh tật; còn đây lại là chuyện khác. Làm sao một người bị đánh đòn, bị đóng đinh, bị đâm thủng ngực, có thể sống lại được chứ? Phải chăng các môn đệ chỉ gặp người chết hiện hồn? Phải chăng họ thương nhớ Thầy mình quá, nên đã nhận diện lộn người? Phải chăng họ đang sống trong ảo tưởng, chưa dám chấp nhận sự thật phũ phàng là Thầy không còn nữa?

Lý trí và tình cảm xung đột nhau. Ông muốn tin lắm, nhưng không thể dễ dàng như thế. Ông phải đi tìm sự thật, phải tìm ra xác của Thầy. Ít ra cũng phải đưa về quê chôn cất đàng hoàng, như vậy mới vẹn nghĩa thầy trò.

Nhưng trước khi ông đi tìm Chúa, thì Chúa đã tìm ông. Ngài đi tìm Tô-ma, con chiên lạc trong mâu thuẫn của lý trí và tình cảm. Ngài mời Tô-ma đến với Ngài, nhìn tận mắt, sờ tận tay. Ngài muốn ôm Tôma vào lòng, muốn củng cố đức tin của ông. Nhưng Tô-ma đã không cần nhìn, không cần sờ. Chỉ một lời của Chúa cũng đủ xoá tan bao thắc mắc ưu tư của ông. Lời Hằng Sống đó là lời an ủi, lời cảm thông, lời khích lệ, lời tha thứ. Ông quỳ xuống ngỡ ngàng tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” [Ga 20:28]

Bạn thân mến,
Bạn thấy điều gì trong ánh mắt của Chúa Kitô nhìn Tôma? Phải chăng Ngài đang mỉm cười với Tôma? Ngài thông cảm với cái cứng đầu của ông, với sự dè dặt của ông. Ngài khoan dung, hạ mình làm theo yêu cầu của Tôma. Và qua đó, Tôma đã gặp Ngài.

Chúng ta cũng là những Tôma cứng đầu. Bạn và tôi, chúng ta cũng đã từng kháng cự Chúa Kitô trong đời sống của mình. Cách này hay cách khác, chúng ta cũng đã bỏ rơi Ngài, từ chối Ngài, không tin vào Ngài. Nhưng chính trong những lúc đó, Chúa Kitô muốn ôm chúng ta vào lòng để củng cố đức tin của chúng ta, Chính những lúc đó, lòng thương xót của Ngài được dịp loan toả.

Lòng từ bi thương xót của Chúa được thể hiện thế nào trong cuộc sống bận rộn vất vả của chúng ta hôm nay? Khi tôn sùng Lòng Thương Xót của Ngài, chúng ta được những ơn ích gì?

Trước hết, việc tôn sùng này cho chúng ta bình an nội tâm. Khi ta thống khổ dằn vặt với lo lắng, bực dọc và căng thẳng, ta đang bị “Hội Chứng Tôma” hành hạ. Phần lớn những lo toan nhọc nhằn, áp lực căng thẳng của cuộc sống hiện đại đến từ sự nghi ngờ cứng tin.

Chúng ta nghi ngờ vào giá trị thật của con người mình. Dùng thước đo của thành công, danh vọng, quyền lực, của cải, để đánh giá mình và người khác, chúng ta không còn tin vào mình là một thọ tạo đáng yêu, được Thiên Chúa chăm sóc chu đáo.

Hoặc chúng ta nghi ngờ vào quyền năng và sự tốt lành của Thiên Chúa. Chúng ta không còn tin Chúa mong muốn hoặc có thể tha thứ cho chúng ta, sửa chữa những lỗi lầm, đem lại thành công trong sự thất bại, điều tốt trong sự dữ, sự sống trong cái chết. Vì thế chúng ta phải bươn chải tự lo cho mình.

Một lần nữa, Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta về lòng thương xót của Ngài. Cũng như Ngài đã nói với các môn đệ năm xưa, Ngài đang nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Bình an cho anh em.” [Ga 20:19] Nơi Lòng Thương Xót Chúa, tình yêu của Thiên Chúa gặp gỡ sự yếu đuối của con người.

Mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa xoá tan mọi nghi ngờ. Tin vào tình thương của Chúa, chúng ta xác quyết rằng chúng ta có giá trị, chúng ta được tha thứ vì Chúa Kitô đã gánh hết tội lỗi trần gian, và Thiên Chúa luôn quan tâm đến mỗi người chúng ta.

Mời bạn đến với Chúa Giêsu trong sự yếu đuối của mình. Hãy xác quyết vào lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện của thánh nữ Faustina: “Giêsu ơi, con tín thác nơi Ngài.” Hãy thật sự tin vào điều đó, thay vì tiếp tục sống trong hoang mang sợ hãi, lo lắng nghi ngờ.

Anton-Phaolo, SJ

Tuesday, March 25, 2008

New York City Way of The Cross


In the heart of a city where millions of people carry their daily cross, most of the time dreadfully alone: if God exists, He has nothing to do with my daily life. This is the true cross of every day, the cross of a person abandoned only to himself in his most inner need for a never-ending love, truth, beauty, and justice.

We need the presence of “God-with-us”, Jesus every day. And Jesus, because of the sacrifice of His cross and because of His resurrection, dwells among us every day.

The Way of the Cross in the heart of the city is a simple, humble sign offered to ourselves and to everyone as a witness to His merciful presence in our daily lives and as a plea, through His cross and resurrection, that our eyes and heart may be opened to His presence.

Chicago Way of The Cross - 2008


"Christ in His Beauty Draws Me to Him" (Jacopone da Todi)
Walking in silence through the heart of Chicago

Communion & Liberation, together with the other Catholic lay movements of the Archdiocese, has organized the fourth Way of the Cross through downtown Chicago on Good Friday, MARCH 21, 2008.

The Way of the Cross was led by the Most Reverend
Thomas J. Paprocki, auxiliary Bishop of Chicago





Photos uploaded by Luissss:
http://www.flickr.com/photos/luiscabrera10/2350849925/

Sunday, March 23, 2008

Mộ Trống


Vào Chúa Nhật Phục Sinh thì chúng ta được nghe công bố Tin Mừng Gioan 20:1-9, Ngôi Mộ Trống. Nếu thấy ngôi mộ trống là tin Thầy mình là Đức Giêsu thành Nazarét đã sống lại thì chưa đủ yếu tố để tin. Giả thuyết xác bị trộm thì không đúng vì chẳng có ai đi ăn trộm xác chết đã bắt đầu sình thối mà lại bỏ giờ tháo các băng vải đầy máu me của xác chết ra và lại còn xếp lại gọn gàng. Chỉ có mấy tên điên mới làm điều đó. Nhìn theo nghiã đen thì chúng ta chỉ có thể chứng minh được như vậy, và chúng ta được mời gọi nhìn biến cố này bằng một ánh mắt khác. Mời anh chị em cùng tôi đi với Thánh Phêrô đến mồ sáng hôm đó.

Thánh sử Gioan kể rằng các phụ nữ sáng sớm ra mộ và thấy mộ trống thì hốt hoảng chạy về báo tin cho Thánh Phêrô và “người môn đệ Chúa yêu,” mà chúng ta thường liên tưởng đến Thánh Gioan Tông Đồ. Lúc đó các môn đệ của Đức Giêsu đang hoang mang vì biến cố tan thương của Thầy mình và sợ hãi vì cuộc lùng bắt của các Thượng tế. Khi nghe các phụ nữ báo tin, các Ngài càng thêm hoảng sợ. Thử hình dung tâm trạng của Thánh Phêrô lúc đó, đang đau buồn vì chối Thầy mình và tức giận vì chúng nó giết Thầy mình. Khi nghe tin các phụ nữ báo, Ngài nghĩ ngay đến đám Thượng tế và Pharisêu thế nào cũng là những kẻ chủ mưu trong vụ này. Tức giận đến độ muốn phát điên, Ngài đã mở toan cửa bước ra. Chúng nó “chơi bẩn” quá độ, chúng đã giết Thầy mình rồi mà nay cái xác của Thầy mình mà chúng cũng chẳng tha. Tao sẽ “chơi” đủ với chúng. Tao mà bắt được thằng nào làm chuyện này thì tới đâu tao cũng “chơi” hết. Đi theo Thầy đã nhiều năm mà Ngài còn dám vác dao chém người ta thì thử nghĩ trước khi gặp Thầy Giêsu thì cuộc sống của ông Simon Phêrô này dữ tợn cỡ nào. Khi mà ông ta đang tức giận và nỗi khùng lên thì chắc chẳng ai dám bén mãn đến gần hay can gián Simon đâu.

Thánh Phêrô và Người môn đệ Chúa yêu đi ra mộ. Ngài quên mình rồi, là kẻ đang bị lùng bắt, ngài quên cả nỗi sợ hãi của mình, trong tâm trí Ngài lúc đó chỉ còn hình ảnh Thầy mình mà thôi. Và Thánh sử viết: “Cả hai cùng chạy.” Văn hóa, xã hội, tôn giáo và chính trị của Do Thái thì không có chạy, vì khi chạy là có chuyện náo động, ai chạy thì lính Roma bắt và đánh đập vì làm huyên náo. Khi chạy, các Ngài đã thoát ra ngoài và vượt lên trên tất cả những lề luật của văn hóa, xã hội, tôn giáo và chính trị. Người môn đệ Chúa yêu chạy đến mộ trước nhưng chờ Thánh Phêrô vào trước rồi mới theo vào sau. Thánh Phêrô được Đức Giêsu chọn làm đầu Giáo Hội, là người đại diện Giáo Hội. Người môn đệ Chúa yêu đi vào theo sau Thánh Phêrô là hình ảnh Người Môn Đệ của Chúa đi vào mồ với Giáo Hội và trong Giáo Hội.

Thánh Phêrô và Người Môn Đệ thấy ngôi trống với các băng vải và khăn che mặt được xếp riêng một nơi. Họ đi vào mồ với tâm trạng hoang mang, tức giận, hận thù và đau đớn... một tâm hồn đầy thương tích. Thầy của họ, Đức Giêsu thành Nazarét, là Thiên Chúa và là một con người bằng xương bằng thịt, cũng đã vào mộ với những vết thương tích của trần thế và băng vải cột chặt theo văn hoá và tôn giáo của người Do Thái. Đức Giêsu đã tháo gỡ tất cả những băng vải đã cột chặt, bó buột Ngài với một văn hoá và một tôn giáo và một thân xác con người. Đức Giêsu đã sống lại và trở lại với hình ảnh nguyên thủy của Ngài là một Chúa Giêsu là một Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã để lại tất cả những đau thương ràng buộc của đau khổ và Bóng Tối ở trong mồ và bước ra với một thân xác mới và một sự sống mới. Thân xác Phục Sinh này của Chúa Giêsu thì khả năng hạn hẹp của con người chúng ta thì chưa ai có được sự cảm nghiệm này như thế nào vì Ngài có thân xác để có thể ăn uống và đụng chạm được như chúng ta, nhưng lại có thể đi xuyên qua tường và có thể thay hình đổi dạng như bóng ma. (Mc 16:12).

Thánh Phêrô và Người môn đệ Chúa yêu cũng đã đi vào mồ với những ràng buộc của thân xác con người: hoang mang, đau đớn, tức tưởi, hận thù, v.v., là những băng vải đã ràng buộc họ trong lề luật, văn hoá, tôn giáo, để được chính Chúa Giêsu tháo gỡ những băng vải đó. Họ đã vào và đã tin, và đã đi ra khỏi mồ một với một thân xác mới, con người mới, một trái tim mới và một đức tin mới. Họ ra khỏi một với một tâm hồn đầy Thần Khí Yêu Thương, Tha Thứ, Nhân Từ và xác tín vào Thiên Chúa.

Mỗi Người Môn Đệ của Chúa cũng được mời bước vào mồ với Thánh Phêrô và với Giáo Hội trong Tin Yêu để được chính Chúa Giêsu tháo gỡ những băng vải của tất cả những nỗi lo lắng, hoang mang, thành kiến, vết thương tâm hồn, hiểu lầm, uất ức, hận thù, ganh ghét, đam mê, v.v., để có thể bước ra khỏi mồ cùng với Thánh Phêrô và Giáo Hội với một thân xác mới, con người mới, và một trái tim mới đầy tràn Thần Khí và Yêu Thương. Nhờ vào ân sủng, lòng nhân từ và hay tha thứ của Thiên Chúa, Người Môn Đệ bước vào mồ để được bỏ lại trong mồ những gì thuộc về Bóng Tối của Sự Dữ để bước ra khỏi mồ với một sự sống mới trong Ánh Sáng Tin Yêu của Thiên Chúa và được sống sung mãn trong Ngài. Người Môn Đệ đã sống lại với Chúa Giêsu. Người Môn Đệ đã bước ra khỏi mồ với dấu ấn từ tấm khăn che mặt của Đức Giêsu được in lên trọn thân xác và tâm hồn mình để thân xác mới này chỉ còn mang một khuôn mặt: Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

Người môn đệ Chúa yêu này là ai? Là Người Môn Đệ yêu Chúa và muốn dấn thân theo Chúa.
Người Môn Đệ là ai? Là những người đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành.
Những người này là ai? Họ không phải là những người sống giống như các môn đệ của Đức Giêsu thành Nazarét năm xưa, mà họ là những Môn Đệ của Chúa Giêsu ngày hôm nay mà chính Thiên Chúa đã thương mời gọi họ làm nghiã tử và làm môn đệ của Chúa để thay Chúa, hợp tác với Chúa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Họ là những anh chị em đã và đang đón nhận và làm chứng nhân cho Ngài trong lời nói, cử chỉ, hành động trong cuộc sống mỗi ngày của họ.

Xin Thiên Chúa thương đón nhận mỗi người chúng con, dù rằng chúng con là những kẻ bất trung và bội ước, hay yếu đuối và mỏng dòn, được vào Ngôi Mộ của Chúa để chính Chúa tháo gỡ những băng vải ràng buộc chúng con trong Bóng Tối mà chúng con không có khả năng tự tháo gỡ, để chúng con được bước ra khỏi mồ với lòng đầy Tin Yêu và được sống Tự Do như Con Thiên Chúa, để thân xác và tâm hồn chúng con chỉ còn một mang một hình ảnh là Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
March 21, 2008

Friday, March 21, 2008

ĐỒI THẬP TỰ


Năm nào vào Tuần Thánh chúng ta cũng suy ngắm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Mời anh chị em cùng tôi lên lại đồi Golgotha năm xưa để cùng suy ngắm biến cố đau thương, đầy ân sủng và trọng đại này.

Trên cây thập tự, Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Chúa Giêsu đã nhìn thấy gì để rồi Ngài thốt lên lời này? Ngài thấy các nạn nhân của Lề Luật và của cơ chế xã hội chính trị Roma mà người dân đang bị làm nô lệ. Chúa Giêsu cũng thấy các tội nhân, vua Roma, quan Philatô, thượng tế, Pharisêu, kinh sư và luật sĩ, là những người dùng danh, quyền và tiền của mình để làm khổ các dân nghèo. Nhưng trong ánh mắt của Chúa Giêsu, Ngài thấy các tội nhân này cũng là các nạn nhân. Họ là nạn nhân của Bóng Tối. Họ đang làm nô lệ cho Sự Dữ mà chính họ cũng không biết. Khi Chúa Giêsu trên thập tự cầu nguyện: “Xin tha cho họ,” Ngài muốn ám chỉ đến những tội nhân này.

Lúc đó chắc Quỷ Vương và các Quỷ Con cũng đang hiện diện trên ngọn đồi ấy. Chúng đang vui mừng lắm vì kế hoạch mà chúng đã dồn hết mọi nỗ lực vào nay sắp hoàn tất. Chương trình của chúng là dụ dỗ con người chối bỏ Thiên Chúa, và hơn thế nữa, con người giết Con Thiên Chúa. Chúng trông chờ giây phút Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn, nhục nhã, ê chề, để bắt đầu cuộc liên hoan vì con người đã từ chối Ánh Sáng để chấp nhận sống kiếp nô lệ trong Bóng Tối Sự Dữ. Họ trước là con cái của Thiên Chúa nhưng nay sẽ là con cái, nạn nhân và nô lệ dưới sự cai trị của Bóng Tối.

Thiên Chúa Cha cùng với triều thần Thiên Quốc lúc đó cũng đang chứng kiến cảnh này. Bọn Quỷ vui mừng bao nhiêu thì Chúa Cha và các Thần Thánh trên Trời đau đớn bấy nhiêu. Chúa Cha đau đớn vì nhìn thấy con mình đang vất vưởng, quằn quại trên cây thập tự; Ngài thấy các con cái của Ngài, các nạn nhân và tội nhân, đang từ chối lời mời gọi sống trong Ánh Sáng Yêu Thương, và chấp nhận làm tôi cho Bóng Tối Hận Thù. Và Cha khóc trong im lặng.

Giây phút cuối cùng rồi cũng phải đến. Chúa Giêsu gục đầu tắt thở.

Quỷ Vương, Quỷ Con vui mừng hớn hở vì cái bẫy chúng giăng ra nay đã thành công mỹ mãn. Chúng reo mừng trong chiến thắng và chuẩn bị rút quân về để liên hoan. Chúng nay không cần phải lo làm gì nữa vì tất cả con người đã thuộc về chúng, chúng không cần phải lo đi dụ dỗ con người nữa vì họ đã chấp nhận sống trong tội lỗi, hận thù, ganh ghét và chà đạp nhau.

Cả Triều Thần Thiên Quốc đau đớn và sững sờ chứng kiến cảnh Con Thiên Chúa gục ngã trên thập tự. Chúa Cha vẫn im lặng, chờ đợi. Chúa Cha đau khổ vì thấy con cái của Ngài đang ngụp lặn trong vũng bùn Tội Lỗi mà tưởng chừng như không có lối thoát. Giây phút Chúa Giêsu tắt thở thì cũng là lúc Chúa Giêsu đã hoàn tất chương trình của Chúa Cha. và Chúa Giêsu không còn đau khổ vì thể xác con người nữa, nhưng Chúa Cha vẫn đau khổ vì các con cái của Ngài.

Khi có những người, như anh đại đội trưởng, nhìn cảnh thập tự hành hình ghê rợn nhất và tội lỗi nhất mà con người có thể làm ra, mà người tử tội tên Giêsu vẫn có thể can đảm tha thứ được cho con người được, thay vì chửi rủa như các nạn nhân khác, thì anh ta đã tin: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27:54). Đang ngụp lặn trong Bóng Tối mà anh đại đội trưởng nhìn ngắm lên thập tự và nhận lãnh được ân sủng như một tia Ánh Sáng kéo anh ta ra khỏi Bóng Tối Tội Lỗi. Và từng người một, từng người ngắm thập tự và bước ra khỏi vùng Nô Lệ.

Quỷ Vương đang vui, nay sững sờ. Chương trình của hắn đã dầy công sắp đặt đến độ hoàn chỉnh mà nay lại thấy từng người một, đã từng là nô lệ của nó, mà lại có thể thoát ra khỏi quỹ đạo đó để quay trở về. Nó tìm cách kéo lại, nhưng những tâm hồn này nay đang chìm ngập trong Thần Khí và tiếp tục đi về vùng Ánh Sáng.

Các Thần Thánh trên Trời cũng ngạc nhiên không kém. Từ khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, tưởng rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã đổ vỡ. Ngờ đâu, nhờ thập tự đó mà lại có nhiều tâm hồn được lãnh nhận ơn cứu độ. Cứ mỗi lần có một tâm hồn từ vùng Bóng Tối quay trở về vùng Ánh Sáng là lại một lần cả Triều Thần Thiên Quốc vui mừng rơi lệ trong sung sướng vì thấy anh chị em của họ đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. (Lc 15:24).

Chương trình cứu độ của Chúa Giêsu mà Chúa Cha giao phó đã hoàn tất và Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha, nhưng chương trình cứu độ của Thiên Chúa thì vẫn chưa hoàn tất vì ngày hôm nay còn nhiều tâm hồn vẫn còn đang ngụp lặn trong Tội Lỗi và làm nô lệ cho Bóng Tối. Ngày hôm nay, ngay giây phút này đây, Chúa Cha vẫn nhìn các con cái Ngài đang ngụp lặn trong Vũng Bùn mà lòng quặn đau.

Thử hình dung cu Tèo chạy về nhà thấy mẹ nó đang khóc, hỏi ra thì được biết ba nó vừa bị tai nạn xe cộ và đang chở đi cấp cứu, anh nó đi bắt cá bị lật ghe bây giờ chưa biết sống chết thế nào, người anh khác vừa bị đuổi việc… Nghe xong, nó nói với mẹ: “Mẹ cho con xin vài chục để … đi chơi game!” Bạn nghĩ sẽ cho cu Tèo mấy điểm từ 1 đến 10?

Cha chúng ta đang đau khổ vì thấy nhiều con cái của Ngài đang sống trong cảnh nô lệ của Bóng Tối và Tội Lỗi, Ngài cũng có được những người con khác đang sống trong Ánh Sáng và Sự Thật, nhưng những đứa này cứ mỗi lần chạy đến là xin Cha cho con cái này, xin Cha cho con cái nọ, còn Cha nó đang vui hay buồn hay đau khổ thì hình như chúng chẳng quan tâm.

Nhiều người đã nhìn ngắm thập tự, được ơn cảm nghiệm Trở Về, và thấy khuôn mặt của Cha. Họ không muốn rời Cha nữa. Họ thấy Cha đau khổ quá và không muốn xin Cha cho họ cái gì nữa. Họ chỉ muốn làm cái gì đó để giải khuây nỗi đau khổ của Cha. Có người đã hiến mình để cả đời chỉ lủi thủi trong bốn bức tường của một tu viện để ngồi bên Cha như cô Maria (Lc 10:38-42), để “Con hát cho Cha nghe nhe, con quạt cho Cha mát nhe,” và để cầu nguyện cho những tâm hồn đang còn chìm đắm trong Bóng Tối được ơn trở lại. Những lời cầu nguyện của những người này như những tia Ánh Sáng đi vào trong vùng Bóng Tối để kéo những tâm hồn đang ngụp lặn trong đó ra vùng Tự Do. Những tâm hồn đón nhận Ánh Sáng thì được Thần Khí dẫn ra khỏi vùng Bóng Tối Tội Lỗi và được ngập lặn trong Thần Khí Yêu Thương. Mỗi lần có một tâm hồn trở về là Cha vui mừng lắm.

Có những đứa con được ơn cảm nghiệm Trở Về nhờ lờng nhân từ của Cha, và họ muốn thét lên cho cả thế giới biết tình thương của Cha. Họ đã chạy bôn ba khắp phố phường để đi tìm các con chiên lạc về cho Cha để làm Cha vui hơn. Họ đi vào vùng Bóng Tối để tìm anh chị em họ, mỗi lần quay về là áo họ dính đầy “Bụi Bóng Tối,” nhưng họ quyết chí tiếp tục lên đường dù rằng sẽ tiếp tục bị dính “Bụi,” họ đi và dẫn về những tâm hồn cho Cha.

Anh chị em thân mến, Cha chúng ta vẫn đau khổ vì còn nhiều con cái của Ngài, là anh chị em của chúng ta, còn đang ngụp lặn trong vũng bùn Tội Lỗi. Xin anh chị em cùng tôi cầu nguyện cho các tâm hồn đang còn sống xa Tình Yêu Thương. Mến chúc anh chị em một Tuần Thánh đầy ơn cảm nghiệm Trở Về nhờ vào lòng nhân từ của Chúa. Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con được ơn cảm nghiệm khuôn mặt của Chúa, để chúng con hiểu và cảm thông với Chúa hơn, yêu Chúa hơn, và chọn Chúa là đối tượng duy nhất của chúng con. Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
March 19, 2008