id quod volo

Thursday, March 27, 2008

Chủ Nhật II Phục Sinh (30 Mar 2008)


CVTD 2:42-47; TV 118:2-4, 13-15, 22-24; 1 Ph 1:3-9; Gn 20:19-31

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Chúa đã sống lại thật. Alleluia!
Người hằng ở với chúng ta. Alleluia!

Bạn thân mến,
Cùng với hơn 1 tỷ người Công giáo trên khắp thế giới, chúng ta mừng mầu nhiệm Phục Sinh, mừng Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Nhưng biến cố Phục Sinh có ích gì, nếu con người không cảm nhận được niềm vui Phục Sinh?

Tại căn phòng Tiệc Ly, nơi các tông đồ đang tụ họp lo lắng cho tương lai của mình, Đấng Phục Sinh đến với họ. Ngài nhẹ nhàng đi qua cánh cửa đóng chặt, len lỏi vào tâm tư, đánh tan mọi nghi ngờ và sợ hãi của họ. Chúa Kitô biết các môn đệ yếu đuối. Ngài hà hơi tiếp sức cho họ, thổi Linh Khí vào lòng họ, ban cho họ sự bình an và niềm vui, ban cho họ sức sống mới, và sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng: một Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua cái chết và phục sinh của Con Một Người, Thiên Chúa ban cho nhân loại sự sống mới, sự sống thần linh.

Gần hai mươi thế kỷ sau cuộc gặp gỡ lịch sử đó, vào tháng 4 năm 2000 trong dịp phong thánh cho nữ tu người Ba Lan, Sơ Maria Faustina Kowalska, ĐTC Gioan-Phaolô II đã ấn định Chủ Nhật thứ II mùa Phục Sinh là lễ tôn kính lòng Thương Xót Chúa. Khi thiết lập lễ này, ĐTC đã thực hiện lời yêu cầu của chính Chúa Kitô được mạc khải qua Sơ Faustina là quảng bá về lòng tương xót vô lượng của Thiên Chúa.

Lòng từ bi thương xót đó được diễn tả trong cách Chúa Kitô đối xử với các môn đệ khi Ngài đến với họ. Trong giờ phút khó khăn nhất ở Vườn Dầu, họ đã bỏ Ngài chạy thoát thân, nhưng Ngài không bỏ họ trong tăm tối tuyệt vọng. Khi họ sống trong cô đơn, sợ hãi, dày vò, mặc cảm, khép kín, Ngài hiện đến an ủi họ, ban cho họ bình an và niềm vui. Khi họ thất bại và bỏ cuộc, Ngài vẫn đặt niềm tin nơi họ. Ngài trao năng quyền tha tội và củng cố sứ mạng rao giảng và chữa lành của họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” [Ga 20:21].

Lòng từ bi thương xót đó cũng được diễn tả trong cách Chúa Kitô đối xử với những người bắt bớ bách hại Ngài. Ngài sẽ trả thù những kẻ tố cáo lên án Ngài ư? Không! Trả thù những kẻ tra tấn, sỉ nhục đóng đinh Ngài ư? Cũng không! Trên thập giá, Ngài đã tha thứ tất cả, chấp nhận tất cả. Và giờ đây, Ngài gửi các môn đệ đến với họ, nói cho họ và cả thế giới biết người mà họ đã đóng đinh chính là Con Thiên Chúa, Đấng gánh tội cho họ.

Và đây là sứ điệp căn bản của lòng thương xót vô lượng đó: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người cho thế gian, ngõ hầu ai tin vào con ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống muôn đời. Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để luận phạt thế gian, nhưng thế gian nhờ Ngài mà được sống.” [Ga 3:16-17]

Trong số các môn đệ, có lẽ Tôma cảm nghiệm được lòng thương xót này cách mạnh mẽ nhất. Theo Tin Mừng Gioan, ngay vào buổi chiều ngày Phục Sinh, Chúa Kitô đã hiện ra với các môn đệ đang co rúm vì lo sợ cho số phận mình. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, Tôma đã không có mặt. Ngoài phố chợ, người ta đang đồn là xác Đức Giêsu bị các môn đồ đánh cắp. Ông đau xót quá, nhục nhã quá. Bây giờ lại nghe đồn Thầy sống lại. Chết rồi cũng chưa được yên. Tôma không dễ bị thuyết phục bởi những tin đồn. Vừa rối trí vừa bực mình, ông nhất quyết phải tìm ra sự thật.

Lý trí của ông không dễ dàng chấp nhận chuyện kẻ chết sống lại. Thật ra, ông đã từng thấy kẻ chết được sống lại: cô bé con ông Giairô, con trai bà goá ở Naim, anh Lazarô ở Bêtania. Nhưng đó là những ngưòi đã qua đời vì đau ốm bệnh tật; còn đây lại là chuyện khác. Làm sao một người bị đánh đòn, bị đóng đinh, bị đâm thủng ngực, có thể sống lại được chứ? Phải chăng các môn đệ chỉ gặp người chết hiện hồn? Phải chăng họ thương nhớ Thầy mình quá, nên đã nhận diện lộn người? Phải chăng họ đang sống trong ảo tưởng, chưa dám chấp nhận sự thật phũ phàng là Thầy không còn nữa?

Lý trí và tình cảm xung đột nhau. Ông muốn tin lắm, nhưng không thể dễ dàng như thế. Ông phải đi tìm sự thật, phải tìm ra xác của Thầy. Ít ra cũng phải đưa về quê chôn cất đàng hoàng, như vậy mới vẹn nghĩa thầy trò.

Nhưng trước khi ông đi tìm Chúa, thì Chúa đã tìm ông. Ngài đi tìm Tô-ma, con chiên lạc trong mâu thuẫn của lý trí và tình cảm. Ngài mời Tô-ma đến với Ngài, nhìn tận mắt, sờ tận tay. Ngài muốn ôm Tôma vào lòng, muốn củng cố đức tin của ông. Nhưng Tô-ma đã không cần nhìn, không cần sờ. Chỉ một lời của Chúa cũng đủ xoá tan bao thắc mắc ưu tư của ông. Lời Hằng Sống đó là lời an ủi, lời cảm thông, lời khích lệ, lời tha thứ. Ông quỳ xuống ngỡ ngàng tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” [Ga 20:28]

Bạn thân mến,
Bạn thấy điều gì trong ánh mắt của Chúa Kitô nhìn Tôma? Phải chăng Ngài đang mỉm cười với Tôma? Ngài thông cảm với cái cứng đầu của ông, với sự dè dặt của ông. Ngài khoan dung, hạ mình làm theo yêu cầu của Tôma. Và qua đó, Tôma đã gặp Ngài.

Chúng ta cũng là những Tôma cứng đầu. Bạn và tôi, chúng ta cũng đã từng kháng cự Chúa Kitô trong đời sống của mình. Cách này hay cách khác, chúng ta cũng đã bỏ rơi Ngài, từ chối Ngài, không tin vào Ngài. Nhưng chính trong những lúc đó, Chúa Kitô muốn ôm chúng ta vào lòng để củng cố đức tin của chúng ta, Chính những lúc đó, lòng thương xót của Ngài được dịp loan toả.

Lòng từ bi thương xót của Chúa được thể hiện thế nào trong cuộc sống bận rộn vất vả của chúng ta hôm nay? Khi tôn sùng Lòng Thương Xót của Ngài, chúng ta được những ơn ích gì?

Trước hết, việc tôn sùng này cho chúng ta bình an nội tâm. Khi ta thống khổ dằn vặt với lo lắng, bực dọc và căng thẳng, ta đang bị “Hội Chứng Tôma” hành hạ. Phần lớn những lo toan nhọc nhằn, áp lực căng thẳng của cuộc sống hiện đại đến từ sự nghi ngờ cứng tin.

Chúng ta nghi ngờ vào giá trị thật của con người mình. Dùng thước đo của thành công, danh vọng, quyền lực, của cải, để đánh giá mình và người khác, chúng ta không còn tin vào mình là một thọ tạo đáng yêu, được Thiên Chúa chăm sóc chu đáo.

Hoặc chúng ta nghi ngờ vào quyền năng và sự tốt lành của Thiên Chúa. Chúng ta không còn tin Chúa mong muốn hoặc có thể tha thứ cho chúng ta, sửa chữa những lỗi lầm, đem lại thành công trong sự thất bại, điều tốt trong sự dữ, sự sống trong cái chết. Vì thế chúng ta phải bươn chải tự lo cho mình.

Một lần nữa, Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta về lòng thương xót của Ngài. Cũng như Ngài đã nói với các môn đệ năm xưa, Ngài đang nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Bình an cho anh em.” [Ga 20:19] Nơi Lòng Thương Xót Chúa, tình yêu của Thiên Chúa gặp gỡ sự yếu đuối của con người.

Mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa xoá tan mọi nghi ngờ. Tin vào tình thương của Chúa, chúng ta xác quyết rằng chúng ta có giá trị, chúng ta được tha thứ vì Chúa Kitô đã gánh hết tội lỗi trần gian, và Thiên Chúa luôn quan tâm đến mỗi người chúng ta.

Mời bạn đến với Chúa Giêsu trong sự yếu đuối của mình. Hãy xác quyết vào lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện của thánh nữ Faustina: “Giêsu ơi, con tín thác nơi Ngài.” Hãy thật sự tin vào điều đó, thay vì tiếp tục sống trong hoang mang sợ hãi, lo lắng nghi ngờ.

Anton-Phaolo, SJ