id quod volo

Sunday, January 27, 2008

Ánh sáng Tin Mừng

Chủ Nhật 3 Muà Thường Niên
Isaiah 8:23--9:3; Psalms 27:1, 4, 13-14; First Corinthians 1:10-13, 17; Matthew 4:12-23 or 4:12-17


Một người bạn của tôi vừa được nhận được một dự án khá lớn. Anh được chọn để trùng tu lại một căn biệt thự thuộc hàng di tích lịch sử, có tầm vóc quốc tế. Khổ nỗi, căn nhà này đã xuống cấp khá nhiều trong thời gian qua. Căn nhà đã cũ và dột nát nhiều. Nhưng vì là di tích lịch sử nên anh không thể đập đi xây lại được. Anh cũng không thể tự ý sửa chữa theo ý muốn mà không thông qua thủ tục hành chánh nhiêu khê. Kinh phí sửa chữa thì quá eo hẹp, nhân sự lại thiếu thốn.

Thật ra người bạn tôi chẳng muốn nhận công việc này bởi vì anh đang có một vài công trình khác. Nhận việc này, anh sẽ phải hy sinh nhiều hơn. Anh sẽ mất nhiều thì giờ tâm huyết hơn để chu toàn công việc mà không biết kết quả sẽ ra sao. Đúng là vạn sự khởi đầu nan.

Tâm trạng của người bạn tôi cũng có phần nào giống như Đức Yêsu khi bắt đầu sứ vụ rao giảng tin mừng của Ngài. Ngài bắt đầu rao giảng tin mừng ở một thời điểm không mấy gì thuận lợi. Căn nhà Israel đã dột nát hàng trăm năm qua. Nhân sự chưa có, người bảo trợ cũng không. Yoan tẩy giả, người anh em của Đức Yêsu, đã bị Hêrôđê bắt giam. Xứ Galilê thì loạn lạc bởi nhiều vụ bạo động chống lại sưu cao thuế nặng. Hố sâu giàu nghèo cách biệt, tâm tình dân chúng oán than.

Câu chuyện năm xưa

Xứ Galilê, nơi dung thân của hai bộ tộc Zơbulun và Nápthali thưở xưa, đã nằm dưới gót ngoại bang hằng bao thế kỷ. Năm 722 trước công nguyên, quân Assyria đã chiếm đóng thửa đất mầu mỡ này và toàn cõi miền bắc Israel. Người dân bản xứ bị di cư lưu đầy, thay vào đó là dân xứ khác được chuyển về sinh sống. Nhiều năm sau, những người sống sót trở về thì chỉ còn thấy mình sống trên một miền đất xa lạ. Đất đại của cha ông họ đã bị tước đoạt, chia chác, chuyển giao cho người khác. Họ phải làm người tạm dung ngay trên quê hương mình.

Từ Yêrusalem, ngôn sứ Isaia thấy bóng tối bao trùm miền đất này. Nhưng ông tin rằng sẽ có ngày “ánh sáng sẽ bừng lên chiếu rọi.” Niềm vui sẽ đến với dân bị mất mát. Công lý sẽ được tái lập. “Thiên Chúa sẽ ban chứa chan niềm vui hoan hỉ, sẽ tăng thêm nỗi vui mừng… vì cái ách đè trên cổ dân, cái gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gẫy” (Is 9, 2-3).

Trải qua hơn 750 năm, ước mơ của Isaia vẫn chìm trong quyên lãng. Không chỉ Galilê mà cả Samaria và Yuđa cũng lần lượt nằm dưới ách thống trị của ngoại bang. Cho dù không ở dưới sự cai trị trực tiếp của chính quyền thuộc địa, người dân Galilê vẫn è cổ dưới gánh nặng của sưu thuế, dưới sự hà hiếp của quan chức địa phương. Tiểu vương Hêrôđê Antipa vơ vét tài sản của dân để cung phụng cho cuộc sống xa hoa của mình. Ai nộp không đủ thuế sẽ bị lấy đất, hoặc gia súc, hoặc bị bán làm tôi tớ. Đó đây đã có nhiều cuộc nổi dậy của dân nghèo, nhưng họ đều bị bắt, bị giết. Những người dám nói lên sự thật như Yoan Tẩy Giả thì bị đàn áp bịt miệng. Bóng tối dưòng như đã che phủ tất cả.

Nhưng một ánh sáng cuối đường hầm đã loan tỏa. Theo thánh sử Matthêu, lời ngôn sứ Isaia đã được thực hiện nơi con người và sứ mạng của Đức Yêsu người Nazarét. Ngài là nguồn ánh sáng, là niềm hy vọng cho một thế giới đầy tội lỗi và bất công. Ngài đến như ánh bình minh chiếu tỏa trên nền đất xám đen, như nước mưa tưới gội thửa đất khô cằn. Ngài đến để xây lại căn nhà dột nát của Israel, để canh tân đời sống con người, bắt đầu từ dân tộc Ngài và cho cả thế giới.

Tin mừng Đức Yêsu rao giảng là tin mừng về một Thiên Chúa yêu thương con người và mong muốn con người yêu thương tôn trọng nhau. Ngài đề cao hai luật sống căn bản là kính yêu Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Ngài không chỉ rao giảng nhưng còn sống phục vụ người khác, chữa lành những người đau yếu tật nguyền (Mt 4, 23).

Tin mừng Đức Yêsu loan báo không phải là một cuộc cách mạng bạo lực. Ngài không kêu gọi dân chúng nổi dậy chống chính quyền. Ngài không xách động quần chúng đối kháng với bất công xã hội. Điều Ngài rao giảng là xây dựng tình người trong tự do, công lý và hoà bình. Điều Ngài rao giảng là tình người phải được đặt trên luật lệ, và luật lệ chỉ nhằm để phục vụ cho phẩm giá con người.

Đức Yêsu cổ vũ một lối suy nghĩ mới, một tinh thần mới cho những ai nghĩ rằng Nước Trời là gia sản dành riêng cho dòng dõi Abraham. Không, Nước Trời là căn nhà chung cho những ai thành tâm tìm kiếm ý Thiên Chúa và mưu cầu phúc lợi cho tha nhân. Nước Trời không phải là độc quyền của một ai, của một nhóm nào, nhưng là mái ấm mở rộng cho mọi người. Cho dù họ là nhà mô phạm hay là phường tội lỗi, chỉ cần họ thành tâm sám hối, từ bỏ con đường ích kỷ tội lỗi để quy thuận Thiên Chúa thì họ sẽ được hưởng ơn cứu độ: “Anh em hãy sám hối vì Nuớc Trời đã đến gần.” (Mt 4, 17).

Nhưng làm sao Nước Trời có thể thành hiện thực nếu không có những người xả thân xây dựng Nước ấy? Đức Yêsu không làm việc một mình. Ngài mời gọi một nhóm người cùng cộng tác với Ngài trong khả năng của họ. Những người ngư phủ ít học nhưng giầu tấm lòng, lại là những cộng sự viên đầu tiên và đắc lực nhất của Đức Yêsu. Xét theo bề ngoài, chúng ta dễ dàng bỏ qua những con người này, nhưng Đức Yêsu nhìn vào tâm hồn thay vì khả năng của họ. Ngài dùng tâm tình chân thành mời gọi họ, và họ đã quảng đại đáp trả.

Và sứ vụ của Đức Yêsu Kitô đã bắt đầu như thế đó. Với phương tiện nghèo nàn, với nhân sự ít ỏi, nhưng cùng một tấm lòng, một ước mơ xây dựng Nước Trời, căn nhà chung của mọi thành phần dân Thiên Chúa. Góp gió thành bão. Đức Yêsu và các môn đệ của Ngài đã và đang mở rộng Nước Trời vượt thời gian và không gian đến cho những ai tin nhận và sống theo Ngài.

Câu chuyện hôm nay
Hôm nay, lời Chúa mời gọi chúng ta điều gì?

Lời mời đầu tiên là tu chỉnh cuộc sống. “Sám hối” là gì nếu không là một cuộc trở về thật sự? Một cuộc xoay vòng 180 độ, ngược chiều với con đường mình đã đi quen, để đi con đường của Thiên Chúa. Sám hối là đi từ tội lỗi đến ân sủng, từ ích kỷ đổi thành vị tha, từ tôn sùng bản thân chuyển sang quy phục Thiên Chúa. Sám hối là đoạn tuyệt với tham lam, thù hận, cố chấp, gian dối, và những thói hư tật xấu khác, để hướng đến quảng đại, hòa giải, khoan dung, chân thực và những điều thiện hảo ngay lành. Khắp nơi và ngay trong cõi lòng mỗi một chúng ta vẫn thường xảy ra những cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa một bên là văn hóa của sự chết, văn hóa quyền lực, và bên kia là văn hóa của sự sống, văn minh tình thương. Chúng ta cần ý thức mình đang đứng ở đâu trong cuộc chiến này.

Lời mời thứ hai là cộng tác xây dựng Nước Trời. Lời mời làm mộn đệ là chọn lựa một lối sống dấn thân, mang một tâm tình xả thân vì Nước Trời. Chúng ta được mời gọi trở thành những người bênh vực và bảo vệ Sự Sống, Sự Thật, và Sự Thiện. Mỗi lần tôi cho một kẻ đói ăn, cho một kẻ khát uống, giúp đỡ một người nghèo, tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp, bênh vực thai nhi, phục hồi phẩm giá cho một trẻ em hay một phụ nữ bị rao bán, là tôi tạo điều kiện cho Nước Trời trở thành hiện thực. Mỗi lần tôi bênh vực công lý, hòa bình, gióng lên tiếng nói cho người bị chèn ép thế cô, là tôi làm cho Nước Trời mau đến giữa thế giới này

Để làm được điều này, chúng ta cần đồng tâm nhất trí, tránh óc bè phái chia rẽ. Làm sao chúng ta có thể xây dựng Nước Trời cách hữu hiệu khi có người chạy theo phe này nhóm nọ, như lời thánh Phaolô cảnh báo các tín hữu ở Côrintô? Khi chúng ta biết “nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói… biết sống hoà thuận một lòng với nhau” (1 Cor 1:10) thì chẳng khó khăn gì để chúng ta cùng lao mình về phía trước vì công việc chung.

Xây dựng Nước Trời đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và nhẫn nại. Ước gì chúng ta cùng nhau đâu lưng cộng tác trong tình huynh đệ và bác ái, trong hiền hoà và nhẫn nại, để ngôi nhà của Thiên Chúa được hình thành, và công lý hoà bình được thực hiện ngay giữa chúng ta. Muốn thế chúng ta cố gắng sống theo Đức Yêsu trong tâm tình, lời nói và hành động. Chúng ta biết tự sức mình không thể làm được những điều ấy mà cần phải nài xin, tin cậy phó thác và sẵn sàng để Ngài hoạt động trong và qua chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta cùng tiếp tay xây dựng ngôi nhà của Ngài, mái ấm của tất cả chúng ta. Amen.


Bảo Lộc