id quod volo

Tuesday, February 27, 2007

Cuộc Hành Trình


Thời gian 40 năm dân Chúa đi trong sa mạc không phải là một khoảng thời gian đi lang thang vô định nhưng là một hành trình với một mục đích hết sức quan trọng cho sự tồn tại của dân tộc là tìm về quê cha đất tổ của mình. Họ khởi hành từ Ai Cập và kết thúc tại đồng bằng Mô-Áp trước khi tiến vào định cư tại miền Canaan. Cuộc hành trình diễn tiến theo từng giai đoạn, từ Ai Cập đến núi Sinai, tạm dừng chân ở đó trong khoảng một năm, sau đó tiếp tục qua những chặng đường kế tiếp cho đến khi về đến miền Ðất Hứa.

Suốt cuộc hành trình dài 40 năm đó họ đã gặp rất nhiều thử thách. Nhưng có hai thử thách đáng kể nhất.

Thử thách quan trọng thứ nhất họ gặp phải là khi đối diện với những khó khăn của cuộc hành trình lâu dài họ trở nên mệt mỏi nản lòng, muốn ngừng lại và không muốn tiếp tục nữa. Họ sẵn sàng chấp nhận đóng trại, để sống ở nơi những ốc đảo nhỏ nằm rải rác trong sa mạc. Họ không còn ý chí và nghị lực để tiếp tục nữa.

Trong Tân Ước, khi các môn đệ được chứng kiến việc Chúa biến hình trở nên sáng láng (Mt 17:4), họ muốn cắm lều ở lại đó để được tận hưởng mãi mãi những giây phút vui sướng và hạnh phúc, không muốn xuống núi để đối diện với thực tế cam go. Phải chăng đó cũng là những cám dỗ chúng ta đang gặp phải trong đời sống đức tin: luôn tìm cách tránh né những lời mời gọi của Thiên Chúa muốn chúng ta bước ra khỏi những an toàn thoải mái của cuộc sống để bước vào cuộc hành trình đầy gian nan và bất định của người môn đệ?

Thử thách thứ hai có lẽ còn nghiêm trọng hơn. Sách Xuất Hành kể lại rằng dân chúng đã nổi loạn chống lại Môisê và đòi trở lại Ai Cập. Họ kêu ca: "Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai Cập! Thà làm nô lệ Ai Cập còn hơn chết trong sa mạc!". Họ phản kháng như thế mặc dù đã được chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ Yavê đã làm để cứu họ. Khi họ khát Yavê đã cho nước chảy ra từ những tảng đá, khi họ đói Yavê cho manna từ trời rơi xuống, khi gặp thù địch, Yavê ra tay bảo vệ họ.

Sự cám dỗ để luyến tiếc một dĩ vãng dễ dãi, an toàn, dù phải sống trong tình trạng nô lệ, ươn hèn, thiếu nhân phẩm là một cám dỗ tinh vi làm cho ta sợ hãi tương lai và chùn bước trước mọi thử thách, chúng ta bị cám dỗ dùng dĩ vãng để tránh tương lai. Gặp trở ngại và thử thách chúng ta muốn bỏ cuộc hoặc tránh né, tìm một lối thoát để được an toàn.

Trong sứ mệnh đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không hứa với các môn đệ của Ngài những dễ dãi thoải mái, không hứa với các môn đệ của Ngài là sẽ không có bách hại và bị chống đối, không có thử thách cam go; nhưng chỉ hứa một điều là luôn luôn Ngài đi phía trước họ.


Vũ Tiến