id quod volo

Sunday, February 25, 2007

Bẫy Ngầm

Anton-Phaolo, SJ

Khởi đầu mùa Chay, Hội Thánh mời gọi các tín hữu thanh tẩy tâm hồn, gọt dũa những thói hư tật xấu bằng việc hãm mình, ăn chay, cầu nguyện, và bố thí. Mùa Chay cũng là lúc chúng ta vào sa mạc của cõi lòng mình, để cùng đồng hành với Đức Kitô trên đường thao luyện tâm linh.

Theo Tin Mừng thuật lại, sau khi chịu phép rửa, Đức Yêsu đi vào hoang địa xứ Yuđêa để tĩnh lặng, cầu nguyện và chuẩn bị cho sứ mạng rao giảng. Sau 40 ngày nhịn ăn uống, chuyên tâm cầu nguyện, tinh thần ngài tuy có phấn chấn, nhưng thân xác rã rời mệt mỏi mệt. Chính lúc đó, tên Cám Dỗ quyết tâm ra mặt. Hắn đã theo dõi ngài rất kỹ và tìm cơ hội để dụ dỗ ngài.

Biết được Đức Yêsu đang đói, hắn mời mọc: “Này ông, nếu ông là Con Thiên Chúa, truyền cho đá này hóa bánh ăn cho đỡ đói đi!” Một lời dụ dỗ mê hoặc đồng cảm. Hắn dư biết đói khát có thể làm cho con người hoa mắt, đầu óc căng thẳng, không còn làm chủ được bản thân.

Đức Yêsu cũng xao xuyến. Ờ, sao lại không nhỉ? Có gì khó đâu? Mình là Con Thiên Chúa cơ mà? Thế nhưng ngài chợt bừng tỉnh. “Con Người sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn do Lời Thiên Chúa phán ra.” Quyền năng Thiên Chúa ban không phải để mưu lợi cho chính mình. Mỗi khi gặp khó khăn không thể chỉ giải quyết theo bản năng tự nhiên. Niềm tin ở đâu? Phẩm giá của con người ở đâu?

Được lắm! Tên Cám Dỗ gật gù. Có lẽ ông chưa bao giờ được nếm mùi vinh hoa phú qúy. Hắn bày ra trước mặt ngài những cám dỗ của vật chất quyền lực. “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc. Chỉ cần ông ưng thuận theo tôị. Cả thế gian này là của ông.” Có tiền có quyền, ông muốn gì được nấy. Ông cứ nghĩ xem, ở đời ai lại chẳng muốn tiền tài danh lợi. Đó là lẽ thường tình mà.

Thế nhưng Đức Yêsu tiếp tục phản kháng. “Con người chỉ thờ lạy một Thiên Chúa mà thôi” Điều răn thứ nhất dạy ta kính mến Người trên hết mọi sự. Sao lại có thể làm tôi hai chủ? Sao lại có thể làm nô lệ cho vinh hoa lợi lộc?

Không chịu thua, tên Cám Dỗ đưa Đức Yêsu lên nóc đền thờ Yêrusalem. Nó thách ngài: “Ông là Con Thiên Chúa ư, thì cứ thử nhảy xuống xem. Nếu Chúa thương ông, thì ông không hề hấn gì đâu. Nếu có Chúa bảo vệ ông, thì ông chẳng vấp ngã đâu.” A, một cái bẫy thâm độc. Tên Cám Dỗ đang thách thức niềm tin của ngài vào Thiên Chúa. Hắn tìm cách xói mòn sự tín thác vào Đấng Quan Phòng. Cám dỗ càng lúc càng tinh vi hơn. Nếu gặp thất bại khổ đau, phải chăng Chúa không thương tôi? Phải chăng Chúa không có thật? Khi con người hoài nghi về tình thương của Thiên Chúa, người ta sẽ nghi ngờ tất cả. Khi con người đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, lúc đó Satan mỉm cười đắc thắng.

Không. Đức Yêsu cương quyết chối từ. “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa.” Tin tưởng vào Thiên Chúa là phó thác cuộc sống cho Người trong mọi hoàn cảnh. Đức tin không phải là đem cuộc đời ra đánh cuộc cho may rủi.

Biết không áp đảo được ngài, tên Cám Dỗ tạm thời bỏ đi, chờ dịp thuận tiện khác. Nó chỉ tạm thời rút lui chứ chưa bỏ cuộc.

Bạn thân mến,

Người Eskimo bắc cực có cách bẫy chó sói rất độc đáo. Họ mài những con dao thật bén, rồi đem nhúng dao đó vào máu súc vật cho đến khi lưỡi dao bọc toàn máu. Đêm đến, họ đem dao đó cắm ngoài đồng. Chó sói thính hơi nghe mùi máu, chạy đến liếm lưỡi dao tới tấp. Đến khi chính lưỡi nó bị dao cắt đứt, máu chảy ra, nó vẫn mải mê cắm đầu liếm mà không biết mình đang liếm máu mình, cho tới lúc kiệt sức ngã lăn ra chết.

Con sói vì mê say liếm máu tươi nên bị cạm bẫy mà chết. Còn con người chúng ta thì sao? Có khôn ngoan hơn không? Chúng ta cũng bị nhiều cạm bẫy đang rút dần rút mòn cuộc sống mình mà không biết. Trong câu chuyện Đức Yêsu bị cám dỗ trong sa mạc, tác giả Luca đã khéo léo lồng vào ba loại cám dỗ mà chúng ta thường mắc phải trong đời thường: ăn sung mặc sướng, vinh hoa phú quý, và danh vọng thành đạt.

Cạm bẫy thứ nhất đánh vào bản năng tự nhiên để sinh tồn, vào nhu cầu thể xác cơm ăn áo mặc. Đành rằng “có thực mới vực được đạo,” nhưng con người sống không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần những giá trị tinh thần để nuôi dưỡng đời sống. Biết bao nhiêu cảnh đời éo le đã và đang xảy ra quanh ta chỉ vì nhiều người quần quật lo thỏa mãn nhu cầu vật chất mà quên đi ý nghĩa cuộc đời. Ta sống làm gì? Sống cho ai?

Cạm bẫy thứ hai đánh vào nhu cầu tâm lý có voi đòi tiên. Nó tạo ra cho chúng ta nhiều nhu cầu giả tạo về vật chất cũng như tinh thần. Đồ dùng phải là hàng hiệu. Quần áo thì phải nhãn mác. Xe cộ, nhà cửa phải bằng người ta. Cái tâm lý muốn có tất cả, không muốn thua kém ai, nếu không biết tiết chế sẽ đưa chúng ta vào bẫy sập của lòng ham muốn vô độ.

Cạm bẫy thứ ba lại càng tinh vi hơn. Thành công, được trọng vọng, được người khác tri ân biết đến mình là một nhu cầu tinh thần. Đo lường cuộc sống bằng mức độ thành công luôn là một cái bẫy nguy hiểm kể cả cho những ai tưởng mình đã thoát tục. Một câu khen tặng có thể làm ta ngây ngất đến trời mây. Một vài lời phê bình chỉ trích cũng có thể làm ta rơi vào lửa hận thù ghen ghét. Còn thất bại thì sao? Nó có làm cho ta thối chí nản lòng, rồi đâm ra ganh tị bất mãn không? Nó có làm cho ta nghi ngờ vào tình thương của Thiên Chúa, vào sự hiện diện của Người không?

Ăn sung mặc sướng, vinh hoa phú quý, và danh vọng thành đạt là các bẫy ngầm làm chúng ta dễ dàng đánh mất đi giá trị của chính mình là “con cái Thiên Chúa.” Ngay cả các tu sĩ linh mục cũng chưa chắc thoát ra được những cạm bẫy này. Nếu ma quỷ không bỏ qua cho Đức Yêsu, dễ gì chúng bỏ qua cho chúng ta. Bạn và tôi, chúng ta cần xin ơn Chúa để sớm nhận ra những cạm bẫy này trong đời sống hàng ngày, và tìm cách tránh xa chúng.

Bạn thân mến,

Cuộc sống của chúng ta, ai lại chẳng phải đối diện với những nhu cầu từ vật chất đến tinh thần. Cái khó là chúng ta dựa vào đâu để giải quyết những khó khăn này? Dựa vào những tiêu chuẩn của con người hay của Thiên Chúa?

Vương quyền của Satan ở thế gian này và giá trị của Nước Thiên Chúa là hai điều đối nghịch. Cám dỗ của Satan, tên Thủ Lãnh thế gian, là lôi kéo chúng ta từ từ từng bước một chỉ còn biết đến mình và các nhu cầu của mình. Từ nhu cầu cơm ăn áo mặc sang danh vọng của cải, rồi đến cái TÔI tự mãn chẳng mấy chốc. Từ tự mãn đến tự phụ, từ tự phụ đến tự kiêu, và từ tự kiêu dẫn đến bao tội lỗi khác. Ngày nào đó tự nhiên Chúa sẽ không còn chỗ đứng trong cuộc đời của tôi.

Còn con đường Đức Yêsu mời gọi chúng ta là tiết chế khổ hạnh, chọn tinh thần khó nghèo để tập sống khiêm nhu phó thác và sẵn sàng mở lòng đón nhận ân sủng. Từng bước một chúng ta tập sống tín thác vào tình thương của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Từ khó nghèo đến khiêm nhu, từ khiêm nhu đến phó thác, và từ đó dẫn vào bao nhân đức khác. Con đường nhân đức là con đường bỏ mình để đến với Chúa qua tha nhân.

Sống trong một xã hội hưởng thụ, chúng ta dễ dàng bị hoa mắt bởi muôn vàn lời mời mọc quyến rũ. Tất cả những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần, tự chúng không phải là điều xấu. Chúng trở nên cám dỗ khi ta dựa vào chúng để tìm hạnh phúc. Chúng trở thành những trói buộc khi ta dành quá nhiều thời gian để chạy theo chúng. Chúng hóa thành những quyến rũ làm ta đánh mất chính mình.

Nếu không cẩn thận chúng ta rất dễ lầm lẫn giữa “những gì tôi muốn” và “những gì tôi cần”. Lòng ham muốn sẽ chi phối, ảnh hưởng trên cuộc sống chúng ta. Những quyến luyến dính bén, rất dễ đưa chúng ta vào con đường thỏa mãn chính mình và xa rời Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ như con sói liếm máu mình cho đến chết. Satan chỉ chờ có thế!

Mùa Chay. Mùa của sự tỉnh thức. Mùa Chay là thời gian để hồi tâm cảnh tỉnh trước những cạm bẫy của cuộc đời. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức để không bị mê hoặc.

Mời bạn đến cùng Chúa Yêsu trong bí tích Thánh Thể, để xin ngài ban ơn cho chúng ta chống trả những cơn cám dỗ rất gần gũi và thực tế này. Mời bạn đến cùng Chúa Yêsu trong bí tích Hoà Giải để lãnh nhận ơn tha thứ và bình an. Mời bạn đến cùng Chúa Yêsu trong cầu nguyện, hy sinh, hãm mình để trải cõi lòng lãnh nhận ơn sủng và sức mạnh nội tâm.

Lạy Chúa Yêsu,

Chúa đã trải qua 40 ngày trong sa mạc để chịu thử thách. Xin cho chúng con được ơn biết nhận ra những bẫy ngầm trong cuộc sống, và có sức mạnh để chống trả. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.